Ngữ pháp TOEIC – Bài 3: Cấu trúc của vị ngữ

Phần 2 trong hai video về cấu trúc câu trong tiếng Anh.

Bài này sẽ nói về cấu trúc của vị ngữ, cụ thể là nói về những thành phần trong vị ngữ, cùng với vị trí và chức năng của những thành phần này.


Lời thoại của video:

Chào các bạn! Trong bài hôm trước mình đã nói về chủ ngữ của câu, những thành phần của nó, và những thành phần đó có mối quan hệ gì với nhau, có chức năng gì và vị trí như thế nào.

Trong bài này chúng ta sẽ nói qua về vị ngữ, là thành phần diễn tả hành động và tính chất của chủ ngữ.

Vị ngữ là một cụm động từ

Hôm trước mình có nói chủ ngữ là một cụm danh từ, thì vị ngữ là một cụm động từ.

cụm danh từ như một hệ mặt trời

Mình cũng nói là chủ ngữ hay một cụm danh từ thì giống như một hệ mặt trời, có một danh từ chính làm mặt trời ở giữa và xung quanh có những cái hành tinh quay quanh và bổ nghĩa cho danh từ chính.

Tương tự như vậy, cụm động từ cũng giống như một hệ mặt trời. Mặt trời ở giữa là một động từ chính, và có những thứ quay xung quanh bổ nghĩa và mô tả cho nó.

Hôm trước chúng ta đang nói về con mèo này. Bây giờ chúng ta cần một cái vị ngữ để diễn tả hành động của con mèo đó.

eats hay smiles làm động từ chính

Ví dụ chúng ta có động từ chính là eats – “ăn” hoặc là smiles – “cười”. Những thành phần nào bổ nghĩa cho động từ chính như thế này?

Cụm danh từ

danh từ fish phía sau mô tả cho động từ eats phía trước

Thứ nhất, chúng ta có thể nói là “ăn cái gì đó”, thì phía sau chữ “ăn” chúng ta sẽ cần một “cái gì đó”, tức là một cụm danh từ. Ví dụ như chữ fish – con mèo này “ăn cá”. Chữ fish mô tả cho hành động ăn. Ăn cái gì? Ăn cá. Chữ fish là một cái gì đó đứng phía sau chịu ảnh hưởng của hành động này. Nó bị con mèo nó ăn. Vậy đây là một danh từ mô tả, làm rõ cho hành động này.

Cụm giới từ

Chú ý là không phải lúc nào chúng ta cũng cần một danh từ phía sau mô tả cho hành động này. Ví dụ như động từ smiles – “cười”. Chúng ta có thể nói là ăn cá, ăn bánh, ăn mì… Nhưng mà smiles – “cười”, chúng ta không thể nói là “cười cá” được. Có những động từ gọi là nội động từ – động từ ở bên trong. Chúng không có tác động ra bên ngoài giống như eats (ngoại động từ). Nội động từ không có danh từ ở phía sau.

cụm giới từ at the dog

Nhưng nếu bạn muốn nói “cười với ai đó” thì sao? “Với ai đó” – sau chữ “với” là một danh từ. Nhưng danh từ này không chịu ảnh hưởng trực tiếp của hành động “cười”, mà nó đã có chữ “với” là một giới từ phía trước.

smiles là một nội động từ. Bạn có thể hiểu là giống như tự một mình chúng ta cười và chúng ta hướng nụ cười về người ta, chứ không phải chúng ta tác động trực tiếp lên người ta. Vì smiles là nội động từ nên không có cái gì trực tiếp ở phía sau được. Nếu muốn nói cười đối với ai đó thì chúng ta cần một cái giới từ ở đây. Trong tiếng Anh thì giới từ tương đương là giới từ at. Ví dụ như là at the dog – “với con chó”. Con mèo này “cười với con chó”.

Vậy thành phần này là gì? Bài trước chúng ta đã có nói qua rồi, nó giống như on the bed. Nó là một cụm giới từ. Nó có thể mô tả cho động từ.

Chúng ta còn có những trường hợp nào nữa?

Linking verb và tính từ

Có một loại động từ gọi là linking verb – tức là động từ dùng để “nối”.

động từ liên kết - linking verb

Chúng ta một danh từ (N), một động từ (V) và một tính từ (Adj). Loại động từ này có tác dụng nối danh từ và tính từ lại với nhau.

Những động từ tiêu biểu của loại này như là look – “trông”. Ví dụ như look happy – “trông có vẻ vui”. Sau động từ look là một tính từ. Một ví dụ khác nữa là seem, cũng có nghĩa là “trông có vẻ”.

Hoặc là một động từ rất quen thuộc với mọi người – động từ to be. Động từ to be khi chia ở những thì hay thể khác nhau thì sẽ có nhữg dạng khác nhau. Ví dụ như số nhiều ở hiện tại là are.

tính từ phía sau mô tả cho động từ liên kết is

Ví dụ như ở trên chúng ta có con mèo thì động từ to be sẽ là is. Như mình nói, nó có thể kết nối với một tính từ, ví dụ như là cute – “dễ thương”. “Con mèo dễ thương”.

Vậy nếu một động từ là động từ kết nối – linking verb, thì phía sau nó có thể có một tính từ hay là một cụm tính từ bổ nghĩa cho nó.

Cụm động từ nguyên mẫu có to

cụm động từ nguyên mẫu có to: to smile

Còn trường hợp này nữa. Ví dụ chúng ta muốn nói: “con mèo cố gắng cười”. Có hai hành động “cố gắng” – tries và “cười” – smile. Chúng ta thấy động từ “cười” diễn tả mục đích của động từ “cố gắng” (cố gắng để mà cười). Để chỉ mục đích thì chúng ta dùng một cái mà bài trước mình có nói rồi, đó là cụm nguyên mẫu động từ có to. “Cố gắng cười” – tries to smile. To smile là một cụm động từ nguyên mẫu có to. Tức là nó là một cụm gồm chữ to đầu tiên và sau đó là một động từ nguyên mẫu, tức là động là ở dạng không có biến đổi gì cả. Nó diễn tả mục đích – cố gắng để làm cái gì đó.

Trợ động từ

Tiếp theo còn có thành phần nào nữa? Nhiều khi là trong vị ngữ không chỉ có một hành động mà còn có động từ đứng trước động từ chính. Người ta gọi nó là trợ động từ. Trợ động từ là gì?

trợ động từ is, have, can

Có những trường hợp chúng ta cần có một động từ ở phía trước, ví dụ như is doing.  Như các bạn đã biết, đây là cấu trúc của thì hiện tại tiếp diễn. Chữ is có thể hiểu nghĩa là “đang”. Nó là trợ động từ, tức là một động từ dùng để hỗ trợ cho động từ chính doing, để nói tạo ra nghĩa “đang làm”.

Một số trợ động từ khác như have trong have done – “đã làm”. Chữ have này là trợ động từ, có nghĩa đại khái là “đã”. Hoặc một trợ động từ khác là can – “có thể”. Can do – “có thể làm cái gì đó”.

Is, have, và can là những trợ động từ đứng trước động từ chính. Những chữ doing, done, do mới là động từ chính tạo nên nghĩa cho câu. Trợ động từ đứng trước chỉ để hỗ trợ, nói cho chúng ta biết động từ đang ở thì gì như is hay have, hay diễn tả khả năng như can

is eating

Ví dụ nếu như ta muốn nói: “con mèo đang ăn cá”, thì ta sẽ thêm một trợ động từ is đứng trước, nghĩa là “đang” và đổi chữ eats thành eating. Thì is là trợ động từ đứng trước danh từ chính, bổ nghĩa cho nó.

Trạng từ

Chúng ta còn một thành phần rất quan trọng là trạng từ. Như trong Bài 1 mình có nói trạng từ có thể mô tả cho động từ. Vậy trong một cụm động từ thì trạng từ đứng ở đâu? Trạng từ có thể ở rất nhiều vị trí khác nhau.

vị trí trạng từ

Thứ nhất, ví dụ như có một trạng từ happily – “một cách vui vẻ”. “Đang ăn một cách vui vẻ” – is happily eating. Trạng từ có thể đứng giữa trợ động từ và động từ chính như vậy.

Trạng từ cũng có thể đứng sau ngay động từ chính.

Trạng từ cũng có thể đứng giữa động từ to be và một tính từ. Nhưng trạng từ này không phải mô tả cho động từ giống những trạng từ ở trên. Mà ở đây nó là đang mô tả cho tính từ. Really cute ở đây người ta gọi là một cụm tính từ. Really mô tả cho cute. Really cute – “thật sự dễ thương”. Chứ không phải really mô tả cho động từ to be.

Trạng từ có thể đứng sau động từ như to smile hay đứng sau at the dog ở cuối câu.

trạng từ không nằm giữa động từ chính và danh từ phía sau

Một câu hỏi quan trọng là nó có thể chui vào giữa động từ eating và danh từ fish không? Thì nguyên tắc là ta không được đưa một trạng từ vào giữa một động từ và một danh từ. Nguyên tắc ngữ pháp là như vậy. Trạng từ không thể đưa vào giữa động từ và cái chịu ảnh hưởng của động từ ở phía sau (tân ngữ).

Tóm tắt

Bây giờ chúng ta cùng tóm tắt lại xem cụm động từ làm vị ngữ của chúng ta bao gồm những thành phần nào?

thành phần của cụm động từ

Thứ nhất, chúng ta có một động từ chính đứng ở giữa làm mặt trời – cái trung tâm. Xung quanh nó có những hành tinh nào quay quanh? Phía trước có trợ động từ (Aux) hỗ trợ cho động từ chính của chúng ta. Phía sau chúng ta có thể có cụm danh từ (N) chịu ảnh hưởng của động từ chính. Chúng ta có thể có một cụm giới từ, cụm tính từ (Adj), cụm động từ nguyên mẫu có to – diễn tả mục đích. Và xung quanh có thể có trạng từ (Adv). Trạng từ có thể có rất nhiều vị trí: giữa trợ động từ và động từ chính, đứng sau cùng, sau động từ. Chú ý là trạng từ không được đứng giữa động từ chính và danh từ ở phía sau. Đó là những thành phần chính của cụm động từ.

Một câu hỏi các bạn có thể đặt ra là: liệu có bắt buộc phải có chỉ một trong những thành phần trên không? Câu trả lời là không.

có thể có nhiều thành phần trên cùng một hàng

Ví dụ như ở ví dụ trên mình có thể đặt at the dog nằm sau to smile. At the dog lại là một cụm giới từ bổ nghĩa cho to smile. Tức là chúng ta có thể có nhiều thành phần cùng một lúc, nằm trong cùng một câu, không nhất thiết là chỉ có một trong những cái này thôi.

Tóm lại, chúng ta có chủ ngữ gồm những thành phần này, đồng thời cũng là một cụm danh từ:

cấu trúc cụm danh từ

Và vị ngữ gồm những thành phần này, đồng thời cũng là một cụm động từ.

cấu trúc cụm động từ

Chỉ cần nhớ như vậy là các bạn đã có thể tăng cường khả năng đọc hiểu của các bạn rất nhiều.

Hẹn gặp lại các bạn trong bài sau.

  • Hoàng Thảo Linh viết:

    Thầy dạy hay quá ạ <3

  • Đào Ngọc Trâm viết:

    Em thích nghe giảng bằng video của thầy lắm, vừa rõ ràng vừa dễ ghe với nó có con mèo cute nữa ^^
    Cám ơn thầy nhiều!

  • Son Nguyen viết:

    Cám ơn Thầy rất nhiều !
    Tôi đã 45 tuổi rất muốn học thi Toeic nhờ Thầy tư vấn và hướng dẫn giúp .

  • Nguyễn Nhật Thi viết:

    Thầy ơi vì sao lại là “smile at the dog” mà ko phải là “smile with the dog” ?

    • thầy Duy viết:

      Vì đó là cách dùng của động từ smile. Nó dùng với at, không dùng với with. Không phải là cứ tiếng Việt thế nào thì tiếng Anh phải giống vậy nhé em.

  • Khánh An viết:

    Thầy ơi! Em nhớ try to có nghĩa là thử mà thầy, còn try v-ing mới là cố gắng?

  • BoonBay viết:

    Tại sao eats và smiles lại có “s” hả thầy ?

  • MIUMIU viết:

    Thưa Thầy, vị ngữ trong tiếng anh gọi là gì ạ? Ví dụ như: Clause = Mệnh đề; Subject = Chủ ngữ; Object = Tân ngữ…
    Vậy vị ngữ gọi là gì ạ? Với trong bài Thầy có nói “Vị ngữ là một cụm động từ” vậy trong câu sau: “She is beautiful” thì có vị ngữ không Thầy? Em cảm ơn.

    • thầy Duy viết:

      Vị ngữ gọi là “predicate” nhé em.

      Câu “She is beautiful” tất nhiên là có vị ngữ chứ em. Vị ngữ là “is beautiful”. Nó là một cụm động từ bắt đầu bằng động từ ‘is’.

  • xuanbac viết:

    “Ví dụ nếu như ta muốn nói: “con mèo đang ăn cá”, thì ta sẽ thêm một trợ động từ is đứng trước, nghĩa là “đang” và đổi chữ eats thành eating. Thì is là trợ động từ đứng trước danh từ chính, bổ nghĩa cho nó.” Chỗ này hình như bạn nhầm, nó là “thì is là trợ động từ đứng trước động từ chính, bổ nghĩa cho nó”. Có phải không nhỉ? Thanks.

  • Tuyết Phan viết:

    Cám ơn Thầy rất nhiều! Tình cờ lại thấy website nầy và nhìn thấy Thầy đang giảng về Văn Phạm, tôi đã quên hết sau 50 năm. Bây giờ tôi muốn ôn lại để dạy lại cho các cháu, nhờ Thầy hướng dẫn cho tôi học lại chương trình nầy! Cám ơn Thầy rất nhiều!!!

  • Phan Thanh Dung viết:

    Em chào thầy ạ, thầy ơi, bài giảng của thầy hay quá, thầy giảng dễ hiểu và làm cho ngữ pháp tiếng anh trở nên bớt mông lung, khó khăn với người mất gốc như em ạ. Em muốn xin phép thầy chia sẻ những video dạy học và thông tin trang web lên facebook cá nhân của em để cho mọi người biết đế thêm ạ. Thầy cho phép em nha thầy.

  • Dom Le viết:

    Chào thầy ạ, em thấy thầy dạy rất hay và dễ hiểu ạ. Mà thầy ơi, sau mỗi bài học của thầy, em muốn luyện tập thêm, mà em không biết kiếm dạng bài tập giống phần của thầy dạy ở đâu ạ. Em cám ơn thầy

  • Anh Thơ viết:

    Phần vị ngữ chỗ “My … cat eats fish” hình như fish đứng một mình ko có Det có được không thầy ạ? Em hơi thắc mắc xíu ạ.

Bình Luận

  • Liên kết

  • Thông tin liên lạc

    Email: toeicmoingay@gmail.com